Di Linh là huyện miền núi thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Di Linh, ở độ cao 1.000 m so với mặt nước biển. Vào năm 1890, Bác sĩ Alexandre John Emile Yersin người Thụy Điển quốc tịch Pháp đã đặt chân đến vùng đất này.
Khi còn là một y sĩ giúp việc cho hãng tầu thuộc bến thương khẩu Saigon, trong những chuyến công tác qua lại dọc theo bờ biển Trung Việt, ông đã say mê nhìn sững vào dẫy núi vĩ đại có những chỏm cao vút mầu xanh lam, mơ mộng đầy vẻ huyền bí và ông bèn nẩy ra một dự tính táo bạo là thử tiến về hướng Tây cho đến khi đụng dẫy Trường Sơn, leo lên dẫy núi này cứ đi bộ lần theo hướng Tây Nam để từ vùng Nha Trang mà về đến Saigon, xuyên qua một vùng Lam Sơn hoàn toàn chưa biết tới.
Tháng 7-1890, khi chiếc “Saigon” tầu chạy thơ mà ông hợp tác cập bến Nha Trang. Yersin được phép lên bờ rồi nhờ có người chỉ dẫn ông đi gặp cha Villaume tại Phan Rang với mục đích hỏi thăm đường đi nước bước để đi lên dẫy Trường Sơn. Cố Villaume vì điếc lác bệnh tật không giúp được gì hơn là chỉ cho Yersin đi vào Phan Rí để nhờ một người ở đó hướng dẫn lên cao nguyên theo con đường mòn mà người dân tộc tại chỗ ở vùng này hay đi.
Ngay buổi chiều hôm ấy, Yersin và người dẫn lộ lên đường ngay, đang khi trời kéo mây đen nghịt báo trước một cơn giông to sắp đổ xuống.
Có lẽ Yersin đã đi lối đường Tamon, đường mòn mà người dân tộc tại chỗ Di Linh gọi là “Gun Phori” đi từ Phan Rí lên đến ấp Tam Bố gần giáo xứ Phú Hiệp quận Di Linh bây giờ, hoặc theo con đường nhỏ từ Phan Rí ngược dòng Sông Mao mà lên đến Lang Hanh để đi dần về hướng Di Linh.
Hai người đi bộ dưới cơn mưa tầm tã, phải ngủ qua đêm trong một chòi tranh ngoài rẫy người dân tộc tại chỗ, và mất gần một ngày leo dốc mới đến được một đỉnh đồi cao độ 1.200 thước. Từ đó có thể nhìn bao quát độ vài trăm thước dưới thung lũng, Yersin trông thấy một cánh đồng rộng bát ngát có nhiều làng người dân tộc tại chỗ nằm rải rác xung quanh. Sau cùng họ đến được vùng phụ cận Di Linh, với dáng điệu mệt lả, giầy vớ rách tả tơi.
Sự xuất hiện đột ngột của ông Tây làm dân người dân tộc tại chỗ hết sức bở ngỡ kéo nhau ra xem. Nhờ người dẫn lộ thông ngôn, người dân tộc tại chỗ cho Yersin biết rằng từ đây có thể xuống Saigon được, nhưng phải mất chín hoặc mười ngày đi bộ. Họ cũng cho biết thêm rằng ở đây nếu đi ròng rã không nghỉ cũng có thể chỉ mất không đầy một ngày đường là tới Phan Thiết.
Thời giờ eo hẹp nên Yersin đã phải trở xuống Phan Thiết ngay hôm sau cho kịp đáp chuyến tầu của hãng ông để đi ra Hà Nội.
Để hỗ trợ chương trình thiết lập trung tâm dưỡng sức Lâm Viên, toàn quyền Doumer bèn cho thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng vào ngày 1-11-1899 và chính Ernest Outrey được bổ nhiệm làm Công sứ đầu tiên cho tỉnh này, tỉnh lỵ đặt tại Djiring.
Djiring là một đơn vị hành chánh, nặng về sắc thái chiến lược hơn là về phương diện kinh tế và xã hội. Thời ấy người ta khai sinh ra nó là cốt để yểm trợ chương trình phát triển Trung Tâm Dưỡng Sức Lâm Viên, tức Đalạt ngày nay.
Có người nói tên gọi Djiring, đó là tên một vị chủ làng thời xưa đã có công thành lập ra buôn người dân tộc tại chỗ này.
Có người nói tên Djiring có dụng ý ám chỉ sáp ong (Jrềng), vì vùng này ong rừng rất nhiều. Những dân phu người dân tộc tại chỗ bị bắt làm phu vận chuyển vật liệu xây cất cơ sở hành chánh đầu tiên ở đây, hoặc làm đường cho sở lục lộ, đã nán níu ở lại lập làng, lúc đầu họ sinh sống bằng nghề lấy mật ong rừng, nên người ta gọi họ là Jrềng, rồi viết sai là Djiring.
Có người nói đó là tên một loại cây sồi mọc đầy trên vùng Di Linh, gọi là cây “Njrêng”. Đó là một loại cây dẽo dai dễ uốn, nên người dân tộc tại chỗ dùng nó vào nhiều việc như: làm răng nĩa để gom rơm rạ, hoặc chẻ mỏng nhỏ ra để đan phần niền chân gùi (một thứ giỏ mây người dân tộc tại chỗ đeo sau lưng) để cho cái gùi được đứng thẳng mỗi khi đặt nó xuống đất.
Địa danh Djiring đến năm 1958 được chính phủ Ngô Đình Diệm cho đổi thành Di Linh, cùng đổi tên đợt này có các địa danh Bảo Lộc, Đơn Dương, Liên Khương thay cho tên cũ B’lao, D’ran, Liên Khàng.
Ngày 01 tháng 11 năm 1899, chính quyền Pháp thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh (Djiring). Công việc của Outrey khi được bổ nhiệm làm Công sứ đầu tiên cho tỉnh này là lo thiết lập cơ sở hành chánh cho tỉnh mới chưa có gì hết. Việc xây cất tòa nhà (Dinh tỉnh trưởng) đầu tiên ở đây được giao cho Cunhac – trắc địa viên kiêm kiến trúc sư đảm nhiệm. Vật liệu xây cất lấy từ Phan Thiết và phải dùng đến một số người Thượng “làm xâu” rất đông để gùi vật liệu trên lưng (mỗi người độ 50 ký) hoặc khiêng hoặc vác đi bộ 71 cây số từ Phan Thiết, Vượt qua đèo Gia Bắc.
Toà nhà hành chánh này hoàn thành vào năm 1900, sau nhiều lần được chính quyền địa phương tu sửa vì xuống cấp, nay nhà này đang là trụ sở làm việc của Hội đồng Nhân dân huyện Di Linh.
Mặc dù nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính và cách gọi tên nhưng suốt một thời gian dài, Di Linh luôn là trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai Thượng cho đến năm 1958, do vậy, trong thời Pháp thuộc, Di Linh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, được thực dân Pháp tập trung đầu tư khai thác.
Nguồn: Lạc quan trên miền Thượng – Phùng Thanh Quang – Theo báo điện tử Di Linh